Cửu Dương Chân Kinh Võ thuật trong tiểu thuyết Kim Dung

Cửu Dương Chân Kinh (Cửu Dương Thần Công) là bí kíp võ thuật chỉ dẫn cách luyện nội công xuất hiện trong tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long ký của nhà văn Trung Quốc Kim Dung.

Cửu Dương Chân Kinh được ghi lại bên trong mép cuốn Lăng Già Kinh, được Giác Viễn thiền sư - một người gác Tàng kinh các trong Thiếu Lâm tự - phát hiện. Lăng Già Kinh là một quyển kinh Phật được viết bằng chữ Phạn của Đạt Ma sư tổ nên Giác Viễn cho rằng Cửu Dương Chân Kinh là của Đạt Ma sư tổ để lại. Trong những bản sửa đổi mới nhất của Kim Dung về Ỷ Thiên Đồ Long ký thì tác giả có nêu nguồn gốc của Cửu Dương Chân Kinh: "Vô Kỵ đem bốn quyển kinh thư từ đầu đến cuối đọc lại một lần, đọc xong quyển cuối cùng chàng thấy tác giả chân kinh tự thuật lại quá trình viết chân kinh. Y không nói tính danh, xuất thân, chỉ nói chính y không biết theo nho theo đạo hay theo tăng. Một hôm ở Tung Sơn đấu rượu thắng tổ sư phái Toàn Chân Vương Trùng Dương, được mượn đọc Cửu Âm Chân Kinh, mặc dù bội phục võ công tinh diệu trong kinh thư nhưng một mặt tôn sùng Lão Tử học, lại xem kinh thư chỉ thiên về lấy nhu thắng cương, lấy âm thắng dương, không bằng âm dương hòa hợp, vì thế ở bên lề bốn cuốn kinh Lăng Già lấy chữ Hán viết nên bộ Cửu Dương Chân Kinh do chính mình sáng chế, cảm thấy so với Cửu Âm Chân Kinh thuần âm thì có âm dương điều hòa, cương nhu trung hòa, hỗ trợ nhau. Trương Vô Kỵ bội phục sát đất đạo lí võ học không thiên lệch, nghĩ thầm bộ kinh này phải gọi là Âm Dương Hỗ Tế Kinh, nếu chỉ gọi là Cửu Dương Chân Kinh thì vẫn không khỏi thiên lệch."

Cửu Dương Chân Kinh lần đầu được nhắc đến là khi Giác Viễn thiền sư truy đuổi Doãn Khắc TâyTiêu Tương Tử đến Hoa Sơn ở phần cuối Thần điêu hiệp lữ. Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử trong khi tạm lánh ở Thiếu lâm tự đã ăn trộm bộ sách này và đã bị Giác Viễn truy đuổi để đòi lại. Tuy nhiên, hai người này đã khéo léo giấu bộ sách vào bụng con vượn trắng nên dù Giác Viễn được sự trợ giúp của Quách TươngTrương Quân Bảo vẫn không thể tìm thấy và buộc phải quay về. Về sau, Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử bỏ trốn đến dãy Côn Luân thì đánh nhau để tranh giành bộ kinh đến mức cả hai cùng kiệt sức mà chết. Trước khi chết, họ có lời nhờ "Côn Luân tam thánh" Hà Túc Đạo chuyển lời đến Giác Viễn về sách là "Sách để trong hầu" (hầu chỉ con khỉ già) nhưng do kiệt sức phát âm không nổi, cộng thêm Hà Túc Đạo là người Tây Vực không hiểu tiếng Hán lắm nên nghe nhầm là "Sách để trong dầu" nên cả Giác Viễn lẫn Thiếu Lâm tự đều không hiểu và bộ sách đã gần như bị thất truyền.

Có nhiều người học được Cửu Dương Chân Kinh, nhưng chỉ có Giác Viễn và sau này là Trương Vô Kỵ học được toàn vẹn nguyên bản. Giác Viễn là một người mê đọc sách, khi gác Tàng Kinh Các của Thiếu lâm đã đọc hết các sách và vô tình đọc cả bộ Kinh Lăng Già. Vì đọc nhiều lần nên vô tình Giác Viễn đã rèn luyện Cửu Dương Chân Kinh và có trong mình nội công hùng hậu Cửu Dương Thần Công mà không hề hay biết. Do nhiều biến cố, Giác Viễn gặp nạn và trước khi qua đời đã đọc lại toàn bộ Cửu Dương Chân Kinh, lúc đó có mặt cả Trương Quân Bảo, Quách Tương (sau này lập nên phái Nga Mi) và Vô Sắc thiền sư của Thiếu Lâm, mỗi người ghi nhớ được một phần của bộ kinh này. Lúc đó ngộ tính, võ công và hiểu biết của ba người hoàn toàn khác nhau: Nếu xét về võ công thì Vô Sắc thiền sư cao hơn cả. Quách Tương là con gái của Quách TĩnhHoàng Dung có sở học rộng nhất. Trương Quân Bảo (sau này là Trương Tam Phong) thì hoàn toàn không có căn cơ gì, nhưng theo Giác Viễn lâu nhất, được truyền thụ từ nhỏ nên có thể nói là được truyền thụ nhiều nhất. Trong ba phái Thiếu Lâm, Nga Mi, Võ Đang thì một phái được chữ "Cao", một phái được chữ "Bác", còn một phái được chữ "Thuần". Ba phái luyện Cửu Dương Chân Kinh mỗi đằng đều có sở trường, nhưng cũng có sở đoản.

Gần một trăm năm sau, Trương Vô Kỵ khi bị kẻ thù truy đuổi trên núi tuyết Côn Luân đã vô tình lạc vào thung lũng nơi ở của con vượn già có chứa kinh thư Cửu Dương Chân Kinh trong bụng. Ở đó, Vô Kỵ đã mổ bụng cứu con vượn già và đã học được toàn bộ nội công Cửu Dương Thần Công trong bộ sách này.

Nếu như Cửu Âm chân kinh (mang màu sắc Đạo gia và chú trọng âm nhu) là bí kíp hướng dẫn cách tu tập nội công và các chiêu số võ công thắng địch thì Cửu Dương Chân Kinh lại là bí kíp thuần túy tu luyện nội lực. Theo mô tả của Kim Dung trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, khi luyện thành Cửu Dương Chân Kinh thì trong mình người học sẽ có được nội công Cửu Dương Thần Công hùng hậu vào loại bậc nhất mà không môn nội công nào khác có thể vượt qua. Cửu Dương Thần Công được xem là môn nội công chí dương trong thiên hạ, mang tính dương (nóng) nhưng do phát triển dựa trên Cửu Âm Chân Kinh nên có âm dương bổ trợ, cương nhu hòa hợp. Nội lực Cửu Dương Thần Công sinh ra gần như là liên miên bất tuyệt, có thể hóa giải được những nguồn nội công mang tính âm-hàn như Huyền Minh thần chưởng hay Huyễn Âm Chỉ, đồng thời phản kích lại tỉ lệ thuận với độ mạnh của lực tấn công bên ngoài. Cửu Dương Thần Công còn có thể giúp người luyện hoán gân chuyển cốt, khiến cơ thể bách độc bất xâm. Trương Vô Kỵ sau khi luyện thành Cửu Dương Chân Kinh đã đẩy được toàn bộ hàn độc của Huyền Minh thần chưởng đang đe dọa mạng sống của mình. Sau này cũng nhờ vào nội lực Cửu Dương Thần Công thâm hậu cùng tâm pháp nội công Càn khôn đại na di nên Vô Kỵ đã học được nhiều tuyệt kỹ võ công thượng thừa và ngộ ra nhiều đạo lý thâm sâu trong võ học, trở thành một cao thủ có võ công và nội lực tuyệt đỉnh.

Đối với bí kíp Cửu Dương Chân Kinh, Vô Kỵ sau khi luyện xong đã chôn bộ kinh trong hẻm núi và sau đó không ai còn nghe về hành trình của bộ sách này.